7 Chức Năng Quan Trọng Của Da Nhiều Người Không Hay Biết
Da người không chỉ là một lớp vỏ bao bọc cơ thể đơn thuần mà còn là 1 cơ quan, 1 bộ phận có nhiều chức năng quan trọng đối với đời sống con người.
Da có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại với cơ thể về sinh học, lý học và hóa học. Da còn làm nhiệm vụ hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da, đào thải các chất độc, chất cặn bã, tiếp nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi…
Ngoài các chức phận riêng biệt nói trên thì da còn có liên quan mật thiết đến các bộ phận khác trong cơ thể và là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng.
Chức năng bảo vệ của da
Da người là 1 hàng rào bảo vệ, che chắn các cơ quan như thần kinh, mạch máu, cơ, xương, phủ tạng khỏi bị tấn công bởi các yếu tố có hại về sinh học, cơ học, hóa học hay lý học.
Do có cấu trúc biệt hóa không ngừng của các lớp tế bào thượng bì, những vi khuẩn ký sinh trên da luôn bị đào thải ra ngoài cùng tế bào sừng. Bên cạnh đó thì một số men tổng hợp tại da có tác dụng diệt hoặc ngăn cản vi khuẩn phát triển.
Nhờ có cấu trúc chặt chẽ của các sợi keo, sợi liên kết nên da có tính chất dẻo dai, đàn hồi và có thể chịu đựng được áp lực của môi trường, chống lại chấn thương từ ngoại cảnh, ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Lớp sừng trên da còn có tác dụng ngăn cản không cho ánh sáng có bước sóng 200nm xuyên qua. Lớp trung bì có thể ngăn cản được bức xạ ánh sáng có bước sóng 340 – 700nm đi qua.
Chức năng điều hòa thân nhiệt
Da điều hòa nhiệt độ, giữ cho thân nhiệt ở mức hằng định nhờ 2 cơ chế: ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.
Khi nhiệt độ bên ngoài hoặc thân nhiệt tăng cao thì cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giãn mạch máu dưới da để tăng cường thoát nhiệt, tuyến mồ hôi tăng bài tiết, tăng thoát hơi nước để làm giảm nhiệt độ: trung bình cứ 1 lít mồ hôi được bài tiết và bốc hơi sẽ làm tiêu hao 540 calo.
Ngược lại khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp thì các mạch máu dưới da sẽ co lại để giảm tỏa nhiệt trên da.
Chức năng bài tiết của da
Bài tiết mồ hôi
Tùy theo từng vùng cơ thể khác nhau mà số lượng tuyến mồ hôi khác nhau. Toàn bộ cơ thể người có khoảng 2,5 triệu tuyến mồ hôi. Các vùng cơ thể khác nhau bài tiết số lượng mồ hôi khác nhau:
+ Thân mình bài tiết khoảng 50% số lượng mồ hôi của cơ thể.
+ Hai chi dưới khoảng 25% và đầu khoảng 25%.
Sự bài tiết mồ hôi được điều chỉnh bởi các sợi thần kinh sọ não, thần kinh giao cảm ở xung quanh tuyến, các trung khu dọc tủy sống và trung tâm điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi.
Ngoài nhiệm vụ tham gia điều hòa thân nhiệt thì mồ hôi còn có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã và chất độc hại cho cơ thể.
Bài tiết các chất bảo vệ da
Da bài tiết ra một số chất có tác dụng làm cho da không thấm nước, ngăn cản sự bốc hơi nước, làm da mềm mại và giúp da chống lại vi khuẩn, vi nấm.
Sự bài tiết của các chất này chịu ảnh hưởng rất lớn của các nội tiết tố:
+ Các chất nội tiết làm tăng bài tiết là androgen, hormon tuyến thượng thận, testosteron, gonadotrophin.
+ Hormon nội tiết tố nữ progesteron cũng làm tăng bài tiết.
+ Hor mon nội tiết có thể làm giảm bài tiết ở cả nam lẫn nữ là estrogen.
Chức năng chuyển hóa
Da giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cân bằng nước, điện giải. Da giữ khoảng 9% nước của cơ thể. Nếu dùng thuốc lợi tiểu liên tục thì nước ở các bộ phận khác trong cơ thể không thay đổi nhưng nước ở da sẽ giảm đi 10%.
Da là nơi chứa nhiều muối NaCl nhất của cơ thể. Nếu tiêm dung dịch NaCl đẳng trương thì da sẽ giữ khoảng 20-70% số lượng nước. Khi ăn nhạt, lượng muối ở da sẽ giảm 60% và khi dùng thuốc lợi tiểu muối sẽ giảm khoảng 42%.
Dưới tác dụng của tia cực tím thì cholesterol dưới da sẽ được chuyển hóa thành vitamin D cần thiết cho hấp thu calci ở xương.
Chức năng thu nhận cảm giác
Các hệ thống thần kinh ở da sẽ nhận thấy và tiếp nhận được các cảm giác như sờ mó, đụng chạm, cảm giác nóng lạnh, cảm giác đau hay cảm giác ngứa…
Chức năng tạo sừng (keratin) và tạo sắc tố (melanin)
Đây là 2 chức năng đặc biệt của các tế bào thượng bì. Chất sừng và chất sắc tố giúp đảm bảo tính toàn vẹn và lành mạnh của da chống lại các tác động có hại của các yếu tố sinh học (vi khuẩn, vi nấm, virus) cơ học, lý học và hóa học.
Chức năng miễn dịch
Ở da có nhiều tế bào có chức năng miễn dịch như tế bào Langerhans, tế bào lympho T. Khi có kháng nguyên (vi khuẩn, vi nấm, virus) xâm nhập vào da thì tế bào Langerhans sẽ xuất hiện và bắt giữ kháng nguyên, sau đó trình diện kháng nguyên với tế bào Lympho có chức năng miễn dịch.
Trên đây là những thông tin quan trọng về da và những chức năng quan trọng của da với cơ thể con người. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm hiểu biết về da và hãy chăm sóc bảo vệ cho làn da thật khỏe mạnh.