Tổn Thương Da Và Quá Trình Hồi Phục Tự Nhiên Của Làn Da
Hàng ngày da phải tiếp xúc với môi trường và vô vàn các tác nhân có khả năng xâm nhiễm và gây hại cho da. Để đảm bảo chức năng của hàng rào vật lý cản các vi sinh vật và môi trường bên ngoài với môi trường bên trong, da có thêm một khả năng tuyệt diệu, đó là khả năng chữa lành các tổn thương. Hôm nay, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về tổn thương da và quá trình hồi phục tự nhiên của làn da.
Tổn thương da và hàng rào bảo vệ của da
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể người, chiếm diện tích tới khoảng 1,8m2 ở người trưởng thành. Chính vì có bề mặt rộng lớn và là lớp tiếp xúc đầu tiên với môi trường bên ngoài, không khó hiểu khi da người dễ trở thành nơi tấn công đầu tiên, và là “địa bàn” trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn gây bệnh.
Hàng rào bảo vệ tự nhiên của da gồm:
- Hàng rào vật lý: Là hàng rào các tế bào sừng xếp sít vào nhau như bức tường, kết nối các tế bào sừng với nhau nhờ 1 “chất vữa” là lipid sừng và các thành phần dưỡng ẩm tự nhiên NMFs (amino axit khác) với bã nhờn tự nhiên (sebum) sinh ra từ tuyến bã vừa giúp bảo vệ da vừa giúp giữ độ ẩm cho da, giúp da luôn mềm mại. Lớp thượng bì da còn có khả năng điều hòa nhiệt độ, tiết mồ hôi, tiết bã nhờn trên da, chống lại ảnh hưởng của các tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi khuẩn gây bệnh, chất hóa học, tia UV… và cũng là nơi cư ngụ của nhiều tế bào thuộc hệ miễn dịch bẩm sinh.
- Hàng rào hóa học: Đây là hàng rào được hình thành từ peptide và lipid kháng khuẩn (Antimicrobial peptides – AMPs và Antimicrobial lipids – AMLs). Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn, vi nấm, virus, chúng còn hỗ trợ và kích thích các thành phần của hệ miễn dịch hoạt động.
- Hàng rào sinh học: Đây là lớp hàng rào được tạo nên bởi hệ vi khuẩn thường trú có lợi trên da. Hệ vi khuẩn này sống cộng sinh, có mối liên hệ mật thiết với quá trình sinh miễn dịch của da. Chúng cũng góp phần vào việc tạo nên các chất kháng lại khuẩn gây hại như AMPs và AMLs, thúc đẩy quá trình tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
Các yếu tố sinh học, nhiệt độ đến hóa chất đều có thể gây ra những tổn thương nhất định trên da. Sự kết hợp của ba lớp hàng rào này giúp cho đề kháng da thêm vững chãi, ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh tấn công cơ thể. Chữa lành các tổn thương là một quá trình phức tạp, nghiêm ngặt, có liên quan đến quá trình viêm, hình thành và tu sửa mô.
Nếu lớp biểu bì và trung bì nông bị thương, bề mặt da có thể chữa lành qua tái sinh của các lớp biểu bì từ các cơ quan ở phần phụ (các nang tóc, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi). Khi chấn thương liên quan đến các phần sâu hơn của da, quá trình sửa chữa phức tạp hơn và thường đi đôi với sự hình thành sẹo.
Quá trình hồi phục sau tổn thương da:
Chữa lành vết thương nhằm mục đích khôi phục lại hàng rào bảo vệ da. Một vết thương có thể có kích cỡ và độ sâu khác nhau. Khi da bị tổn thương, lớp biểu bì ngoài cũng bị phá vỡ. Tế bào sừng phóng thích một số hoạt chất sinh học bảo hiệu cho các tế bào xung quanh về tổn thương. Các tế bào biểu bì (tầng đáy) trở nên tăng hoạt động phần bảo và di chuyển đến các tổn thương cho đến khi hoàn thiện việc tái cấu trúc biểu mô.
Tái tạo biểu mô là một tham số quan trọng trong sự thành công của quá trình hàn gắn tổn thương trên da. Khả năng tái tạo phụ thuộc vào nhóm tế bào gốc biểu bì nằm ở nang tóc, lông, tuyến bã nhờn và tầng tế bào đáy.
Lớp biểu bì cũng có các bộ phận phụ, trong đó có tuyến mồ hôi, nang lông và tuyến bã nhờn. Các thành phần khác nhau của biểu bì trải qua quá trình đổi mới liên tục để thay thế các tế bào chết hoặc các tế bào bị hư hại. Quá trình cân bằng nội môi này liên quan đến một số loại tế bào gốc nằm trong một khu vực cụ thể, quanh các bộ phận phụ của da. Khi bị tổn thương, các tế bào gốc tại các bộ phận phụ trên da di chuyển về phía biểu bì, tái tạo nhanh chóng và hàn gắn tổn thương.
Nếu vết thương tác động sâu đến lớp mô trung bì, nó sẽ gây ra chảy máu do tổn thương mạch máu. Các thành phần máu được giải phóng và máu bắt đầu đông lại dẫn đến sự hình thành các cục máu. Các hóa chất của quá trình viêm được phóng thích như vếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGF), transforming growth factor beta (TGF – β), Interleukin 1 (IL – 1)… Bạch cầu đơn nhân tập trung đến ổ tổn thương để thực hiện quá trình thực bào. Các chất tiền viêm: cytokin và các yếu tố tăng trưởng được phóng thích. Sau đó, tế bào sừng được kích hoạt bởi các cytokin và các yếu tố tăng trưởng di chuyển lên bề mặt da.
Song song đó, các nguyên bào sợi đáp ứng bằng cách bắt đầu tăng nhanh về số lượng. Nguyên bào sợi hướng đến vị trí tổn thương, tổng hợp collagen và glycoprotein để tạo thành một hệ thống collagen tại đây. Một phần các nguyên bào sợi sẽ biệt hóa thành nguyên bào sợi cơ. Chúng thắt chặt và đóng vết thương lại.
Giai đoạn cuối cùng sửa chữa vết thương liên quan đến việc tu sửa, trưởng thành và hình thành sẹo. Các vảy trên da bong ra và các mạch máu được phục hồi. Giai đoạn này thường bắt đầu 2 – 3 tuần sau khi bị thương và có thể kéo dài trong một năm hoặc nhiều hơn.
Da có cơ chế bảo vệ và tự làm lành với các vết thương nhỏ, nhờ vậy mà có thể bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.