Sức Khỏe

Độ PH Của Da Là Gì? Ảnh Hưởng Của PH Đến Hệ Vi Khuẩn Trên Da

Làn da có sự cân bằng về pH sinh lý. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, làn da có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề, điển hình là tình trạng da khô, da dầu – nhờn, da mụn… Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu về pH sinh lý da để có thể hiểu và có cách chăm sóc da đúng.

Độ pH là gì?

Độ pH (tên đầy đủ là Potential of Hydrogen) là thông số thể hiện tính chất của một hợp chất là kiềm, axit hay trung tính.

Thang pH được xác định là từ 0 đến 14, trong đó:

  • pH = 0 thể hiện tính axit mạnh nhất

  • pH = 14 thể hiện tính kiềm mạnh nhất

  • pH = 7 thể hiện tính trung tính.

Tính chất pH da

Tìm hiểu về pH sinh lý của da

Hình ảnh: pH lý tưởng của làn da

Tính acid của da được phát hiện bởi Heuss vào năm 1892, được kiểm chứng bởi Schade và Marchonini vào năm 1928, hai nhà khoa học này đã nhấn mạnh vai trò bảo vệ của “lớp màng acid” của da. Theo các nghiên cứu của chuyên gia, độ pH tự nhiên lý tưởng của làn da sẽ dao động từ 4,5 – 6,2.

Độ pH da đóng vai trò quan trọng đến đặc tính sinh lý da, thành phần lipid lớp sừng, khả năng hydrat hóa lớp sừng, chức năng rào cản bảo vệ da, hệ vi sinh vật trên da. Ngoài ra, tính acid của da giúp thúc đẩy quá trình sửa chữa lớp màng lipid do tổn thương hoặc do tiếp xúc với các chất hóa học như aceton, natri lauryl sulfat và tình trạng viêm da kích ứng.

Đặc biệt, pH da thay đổi theo nhịp sinh học ngày đêm và theo mùa. Ví dụ: ở những vùng da như đùi, cẳng tay và nách có pH cao (pH = 5,3) vào buổi chiều và thấp hơn (pH = 4,9) vào ban đêm. Trong mùa hè, da mặt có giá trị pH dưới 0,5 đơn vị so với các thời điểm khác trong năm.

pH da còn quyết định môi trường sống của hệ vi sinh vật trên da, tạo môi trường phát triển không thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại. Ngay sau khi sinh, các vi sinh vật bắt đầu sinh trưởng và thường trú trên da cũng như các bộ phận khác trên cơ thể trẻ. Mặc dù có sự khác biệt lớn về môi trường sinh sống giữa những người khác nhau nhưng hệ vi sinh vật trên da tương đối giống nhau. Nhiệt độ ở da thường thấp hơn nhiệt độ các vùng khác của cơ thể, hơi acid và khô ráo. Trong khi đó, hầu hết vi sinh vật chỉ sinh trưởng tốt trong môi trường trung tính, độ ẩm cao và nhiệt độ trên 38°C. Vì vậy, môi trường mô da sẽ quyết định phổ vi khuẩn và mật độ vi khuẩn trên da. Một số vi khuẩn thường trú giữ vai trò duy trì độ pH da giúp phòng ngừa sự xâm lấn của các loại vi khuẩn có hại.

Tìm hiểu về pH sinh lý của da

Nguồn gốc của pH da

Tính acid của lớp sừng rất quan trọng đối với chức năng sinh lý và hệ vi sinh vật thường trú trên da. Tuy nhiên tác nhân nào khiến làn da có tính acid vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Có nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh ảnh hưởng đến pH da như các tuyến nội tiết, tuyến ngoại tiết, cấu trúc giải phẫu vùng da đó, độ ẩm da, các kênh vận chuyển ion trên da, các quá trình chuyển hóa năng lượng sinh học trong cơ thể. Một số yếu tố góp phần tạo nên lớp màng acid của da:

  • Acid lactic được sản xuất bởi quá trình acid hóa lớp bề mặt da.

  • Các sản phẩm chuyển hóa của các acid béo tự do, cholesterol sulfat, acid urocanic, acid pyrrolidone carboxylic cũng góp phần tạo nên môi trường acid ở da.

  • Các kênh trao đổi ion chủ động (kênh trao đổi Na+/ K+, kênh trao đổi Na+/H+, kênh protein xuyên màng) trên da có vai trò acid hóa môi trường khoảng gian bào ở các lớp dưới lớp sừng.

  • Các acid béo tự do được sản xuất bởi men lipase của vi khuẩn và tuyến bã nhờn đóng vai trò quan trọng tạo nên tính acid của da.

Lỗ chân lông có sự kết hợp hoạt động của tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Khi hai tuyến này hoạt động cân bằng, dịch bài tiết từ da bao gồm cả dầu và mồ hôi. Tại lỗ chân lông có pH khoảng 5,5. Tuy nhiên, sự bít tắc gây ra bởi quần áo làm tăng đáng kể pH, độ ẩm, mật độ vi khuẩn da. Những yếu tố ngoại sinh như các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc kháng sinh cũng góp phần làm thay đổi pH da. Sự thay đổi pH da cũng liên quan đến các bệnh lý như: viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, bệnh vảy cá, mụn trứng cá, nhiễm candida albicans.

pH da ở người trẻ cao hơn pH da người lớn. pH thay đổi tùy từng vùng da, pH ở mũi là thấp nhất. Những vùng da có mật độ thường trú của Staphylococcus cao thường có tính acid cao. Nói chung, pH da thường thấp ở những vùng da có độ ẩm cao như vùng nách, bẹn, vùng sau gáy, kẽ ngón tay. Gần đây, rất nhiều nghiên cứu đa quốc gia cho thấy pH da mặt trong cánh tay được đánh giá trước và sau khi ngừng hoàn toàn việc sử dụng mỹ phẩm và tắm rửa trong vòng 24 giờ, pH da giảm trung bình từ 5,12 ± 0,56 đến 4,93 ± 0,45. Tác giả của nghiên cứu cho rằng pH trung bình của da khoảng 4,7, thấp hơn so những báo cáo trước (trong khoảng 5 – 6).

Nói chung pH và thành phần lipid của lớp sừng thay đổi tùy từng vị trí trên cơ thể, có chức năng điều hòa hoạt tính enzyme và chu trình tái tạo da.

Ảnh hưởng của pH đến hệ vi khuẩn trên da

  • pH acid (4,5 – 5,5) giúp vi khuẩn bám dính lên da.

  • pH kiềm giúp vi khuẩn phân bố rộng trên da.

  • Môi trường càng acid, vi khuẩn gram âm càng phát triển mạnh, đặc biệt là chủng vi khuẩn Propionibacterium acnes.

  • pH vùng nách càng cao, vi khuẩn gây mùi hôi càng phát triển mạnh.

  • Môi trường acid kích hoạt khả năng kháng khuẩn của lớp màng lipid trên da.

  • pH acid tạo điều kiện sản xuất các peptide kháng khuẩn tự nhiên có tác dụng làm lành vết thương, điều tiết quá trình keratin hóa lớp biểu bì và chu trình thay da.

Những lưu ý giúp bảo vệ độ pH bình thường của da.

  • Chú ý khi lựa chọn sữa rửa mặt:

  • Hạn chế sử dụng sản phẩm sữa rửa mặt có pH cao

Rất nhiều sản phẩm sữa rửa mặt trên thị trường hiện nay có độ pH cao do chúng chứa các thành phần tẩy rửa.

Mặc dù các sản phẩm này tạo cho người dùng cảm giác da mặt khô ráo, sạch sẽ sau khi rửa mặt, nhưng khi sử dụng thường xuyên sẽ khiến lớp màng lipid tự nhiên trên bề mặt da bị tổn thương, mất cân bằng độ ẩm. Tuyến bã nhờn bên dưới da khi đó sẽ phải hoạt động nhiều hơn để cân bằng lại. Chính vì thế chúng ta thường gặp tình trạng da khô , căng sau khi rửa nhưng vài tiếng sau lại tiết nhiều dầu nhờn.

  • Ưu tiên sử dụng sữa rửa mặt có pH thấp hơn

Các sản phẩm sữa rửa mặt có pH thấp có khả năng hạn chế tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, ức chế các vi khuẩn gây mụn. Ngoài ra pH acid yếu còn là môi trường cần thiết cho một số thành phần tẩy da chết hóa học và chống lão hóa hoạt động tốt.

Độ pH của mỗi sản phẩm sẽ phụ thuộc vào công dụng và thành phần. Việc chọn những sản phẩm có pH gần với pH sinh lý của da sẽ an toàn, hạn chế kích ứng cho da hơn. Nếu bạn có thói quen kết hợp nhiều sản phẩm, hãy chú ý tìm hiểu kỹ từng sản phẩm, đồng thời sử dụng theo nguyên tắc sản phẩm có pH thấp hơn thì sử dụng trước, pH cao sử dụng sau.

  • Sử dụng thêm nước cân bằng da:

Sau bước tẩy trang và rửa mặt, bạn nên dùng thêm các sản phẩm cân bằng da để đưa da về độ cân bằng pH nhanh nhất. Một số sản phẩm cân bằng da thường được dùng là toner, lotion, beauty water, balancer…

Chú ý, không dùng các sản phẩm chứa cồn khô alcohol, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và vẫn có thể sử dụng cồn béo có lợi như stearyl alcohol, behenyl alcohol.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh:

Bổ sung cho cơ thể nguồn thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi và tránh xa các loại thức ăn nhanh, đồ uống chứa cồn… Một chế độ ăn uống khoa học như vậy không chỉ giúp bạn có làn da đẹp, tươi trẻ mà còn có một cơ thể khỏe mạnh.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức tổng quan về độ pH và các chú ý trong chăm sóc da để không vô tình làm mất đi sự cân bằng này của da. Hy vọng chị em sẽ thấu hiểu làn da của mình hơn và xây dựng được cho mình chế độ chăm sóc đúng cách làn da luôn khỏe mạnh, rạng ngời mỗi ngày dù đang ở bất kỳ lứa tuổi nào.